Khoảng 80% người từ 11 – 30 tuổi sẽ bị mụn trứng cá và cứ 5 người sẽ có 1 người bị sẹo. Sẹo lõm là biến chứng đáng tiếc và có nguy cơ tồn tại vĩnh viễn. Sẹo đem lại những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thách thức điều trị đối với các bác sĩ da liễu. Vậy sẹo lõm có tự đầy không? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về nguyên nhân và các dạng sẹo lõm thường gặp nhất.
1. Sẹo lõm là gì?
Sẹo lõm (sẹo rỗ) là hệ quả của quá trình phục hồi da sau khi tổn thương, khiến da bị lõm xuống với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Do lớp collagen (một trong những thành tố quan trọng giúp xây dựng các khối xương, da, cơ, gân và dây chằng trong cơ thể) và elastin (dạng protein tham gia cấu tạo của sợi đàn hồi trong cấu trúc da) bị đứt gãy, không thể tái tạo mô một cách hoàn chỉnh khiến da không thể trở lại trạng thái ban đầu.
Sẹo lõm mới hình thành
Sẹo lõm mới hình thành là hiện tượng trên da vừa xuất hiện những mảng vết lõm với kích thước khác nhau. Khi da bị tổn thương sâu, các mô da nhanh chóng tăng sinh collagen để bù đắp vào những vùng bị thiếu.
Tuy nhiên, quá trình này bị mất cân bằng khi cơ chế sản sinh collagen thiếu hụt khiến vết lõm không thể trở lại trạng thái phẳng mịn như các vùng da xung quanh. Đây chính là cơ chế khiến hình thành các vết lõm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Sẹo lõm lâu năm
Theo các bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da, sẹo lõm lâu năm là những vết sẹo tồn tại từ 1 năm trở lên. Lúc này phần gốc của vết sẹo cứng lại và chuyển sang màu trắng xám. Các mô biểu bì bị sẹo không thể tự tổng hợp collagen và elastin nên dày hơn. Lúc này, các can thiệp tự nhiên hay dùng thuốc đều không mang lại hiệu quả cao mà cần giải quyết bằng các biện pháp chuyên khoa.
2. Phân loại sẹo lõm
Sẹo được tạo thành từ quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. Có 2 cách phân loại sẹo cơ bản tùy thuộc vào việc có sự thiếu hụt collagen (sẹo lõm) hay sự tăng sinh collagen (sẹo phì đại và sẹo lồi). Sẹo lõm hình thành bởi quá trình viêm dẫn đến suy thoái các sợi collagen và mô mỡ bên dưới da. (2)
Sẹo lõm chiếm khoảng từ 80%–90% ca bệnh so với sẹo phì đại và sẹo lồi. Sẹo lõm có thể được chia thành 3 loại:
- Sẹo chân đáy nhọn (atrophic scars) hay sẹo lỗ (ice pick) chiếm 60%–70%
- Sẹo hình chân vuông (boxcar scar) chiếm 20%–30%
- Sẹo hình đáy tròn (rolling scars) chiếm 15%–25%
Sẹo chân đáy nhọn
- Hẹp, đường kính < 2mm, sâu, giới hạn rõ, hình V, xâm lấn đến bì sâu hay mô hạ bì. (3)
- Giống như các loại sẹo mụn khác, sẹo chân đáy nhọn là hệ quả của một đợt mụn bùng phát hoặc tổn thương da nghiêm trọng. Sẹo chân đáy nhọn là loại sẹo hẹp và sâu nhất trong tất cả các loại, đặc trưng bởi hình dạng rỗ hẹp trên da, dễ nhận thấy bằng mắt thường. Chúng thường do mụn trứng cá nghiêm trọng gây ra như u nang hay mụn ẩn nằm sâu trong lỗ chân lông.
- Sẹo chân đáy nhọn có thể ăn sâu vào da. Chúng xuất hiện dưới hình dạng tròn, với chân hình chữ V giống như vết sẹo thủy đậu. Đây là những vết sẹo khó điều trị nhất vì nằm sâu dưới bề mặt da.
- Những sẹo này thường hay nhầm với tình trạng những lỗ chân lông to. Thực chất, đây là sẹo lõm có hình dáng tương tự như lỗ chân lông bị phình ra và kích thước sâu hơn so với bề mặt thông thường của da, kích thước bề mặt hẹp hơn so với các loại sẹo khác. Sẹo lõm hình chân đáy nhọn thường được tìm thấy ở khu vực thường xuyên xuất hiện mụn trứng cá.
Sẹo hình chân vuông
Sẹo lõm dạng chân vuông có dạng đầu tròn hoặc hình bầu dục hoặc hình chữ U, miệng sẹo rộng, thành sắc nét. Các vết lõm với miệng sẹo sâu hình thành từ quá trình mụn trứng cá bị vỡ ra do nặn mụn sai cách khiến cho vùng da bị viêm nhiễm và tổn thương nặng. Vết sẹo càng nông sẽ đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị tái tạo bề mặt da.
Sẹo hình đáy tròn
Sẹo hình đáy tròn khá phổ biến, thường xảy ra trong quá trình lành mụn. Chúng có hình dạng những vết lõm trên da và rộng khoảng vài mm. Với cạnh dốc, đáy rộng, hình thành các gợn sóng nhấp nhô, chúng có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn vết thương ban đầu tùy vào cách mà da lành lại. Đây là loại sẹo thường gặp ở những vùng da dày trên khuôn mặt, chẳng hạn dưới quai hàm hoặc hai bên má.
3. Nguyên nhân gây sẹo lõm
- Mụn: Nặn mụn không đúng cách khiến sẹo rỗ hình thành nhiều hơn. Ngoài ra, nặn mụn khi không vệ sinh tay hay dụng cụ chưa được tiệt khuẩn sạch sẽ cũng dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Điều này giúp vi khuẩn tấn công vào da, khiến cho da bị tổn thương và để lại sẹo.
- Thủy đậu: Các bệnh trên da như thủy đậu gây ngứa, khó chịu. Tuy nhiên khi chạm vào sẽ khiến cho mụn bị rách ra, dễ để lại sẹo lõm vào khoảng từ 3-8mm, cực kì khó lành và khó chữa trị.
- Tai nạn: Sẹo lõm hình thành từ những vết thương sau tai nạn hay bị bỏng khi không có phương pháp điều trị thích hợp. Những trường hợp này thường để lại vết sẹo khá lớn và cũng khó điều trị hơn.
- Phẫu thuật: Khả năng xuất hiện sẹo sau khi trải qua quá trình dao kéo rất cao. Kích thước và số lượng sẹo phụ thuộc vào mức độ của cuộc phẫu thuật và cả cách chăm sóc sau mổ quyết định đến khả năng hình thành sẹo và có phục hồi hay không.
- Các nguyên nhân khác: Việc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay chăm sóc da không đúng cách cũng khiến sẹo lõm xuất hiện và trầm trọng hơn.
4. Sẹo lõm có tự đầy được không?
Không. Sẹo lõm là một dạng tổn thương nằm sâu bên trong da và tồn tại vĩnh viễn, vì vậy sẹo lõm không thể tự đầy. Vậy sẹo lõm có thể tan biến bằng cách sử dụng các biện pháp tự nhiên hay không? Cốt lõi vấn đề nằm ở loại sẹo. Chúng tùy thuộc vào loại da và mức độ viêm nhiễm nghiêm trọng của vết thương trước đó.
Nhìn chung, hầu hết các vết sẹo sẽ không tự biến mất. Để thực sự loại bỏ sẹo mụn cần kết hợp các phương pháp điều trị để có được làn da đều màu với kết cấu mịn màng.
5. Sẹo lõm có hại không? Gây ảnh hưởng gì?
Có. Da có sẹo lõm là điều mà không ai mong muốn vì không chỉ gây mất thẩm mỹ, chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe da và là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh về da khác.
Mất thẩm mỹ
Việc các tế bào sợi tại vùng da sẹo lõm càng để lâu không được chăm sóc sẽ càng bị tổn thương, dẫn đến việc không thể sản sinh và cung cấp dưỡng chất cho vùng sẹo lõm. Chúng gây nên tình trạng da khô, chai sần và cứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ da.
Tình trạng da trở nên tệ hơn
Sẹo lõm cũng tạo ra các lỗ li ti nên bụi dễ bám bẩn và tích tụ bã nhờn, làm da xỉn màu, hình thành mụn bọc, mụn trứng cá, mụn đầu đen và gây viêm da.
Tốn thời gian, công sức và chi phí điều trị
Việc điều trị sẹo lõm nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Đặc biệt ở giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ phát huy tốt vai trò và công dụng. Các vết sẹo lõm sẽ nhanh chóng được lấp đầy, rút ngắn được cả thời gian lẫn chi phí điều trị.
Ảnh hưởng đến các khía cạnh khác
Các hội chứng tâm lý như stress, trầm cảm, lo âu,… là vấn đề của rất nhiều người bị sẹo lõm. Việc thiếu tự tin về làn da khiến cho các cuộc gặp gỡ thêm phần khiên cưỡng, các cuộc trò chuyện khó khăn, công việc không thuận lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
6. Cách trị sẹo lõm
Các vết sẹo lõm xuất hiện bởi sự thiếu hụt từ các mô sợi nằm sâu phía dưới da sau khi tổn thương. Khi ấy vùng da quanh vết thương sẽ bị kéo xuống để bù đắp lại, từ đó tạo ra những vết lõm, thấp và sâu hơn các vùng còn lại. Nếu không điều trị kịp thời, vết lõm có nguy cơ ăn sâu vào tế bào da càng khó chữa trị hơn nữa.
Công nghệ hiện đại phát triển đã đem đến rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong ngành y khoa, đặc biệt là các xu hướng thẩm mỹ – điều trị sẹo hiện nay.
- Thay da hóa học (Chemical peels, hay còn được gọi là thay da sinh học): sử dụng các hợp chất hóa học trực tiếp lên da để phá hủy các lớp tế bào bị tổn thương bên ngoài. Giúp đẩy nhanh quá trình thay da mới, từ đó có thể khôi phục làn da mịn màng.
- Laser: Tái tạo bề mặt bằng laser là một phương pháp điều trị hiệu quả và dễ sử dụng hơn các phương thức khác. Các loại laser khác nhau, bao gồm cả laser không xâm lấn và laser xâm lấn, rất hữu ích trong điều trị sẹo mụn (ngoại trừ sẹo chân đáy nhọn).
- Tiêm chất làm đầy mô mềm (Filler/ Fat transplantation): Với hiệu quả nhanh chóng chất làm đầy đã được sử dụng trong chuyên khoa da liễu cho nhiều mục đích khác nhau. Trong điều trị sẹo mụn, chất làm đầy giúp cải thiện tình trạng sẹo nhờ làm tăng thể tích mô mềm và kích thích tổng hợp collagen từ các nguyên bào sợi. Kỹ thuật tiêm filler là một phương pháp hỗ trợ cho các phương pháp tái tạo bề mặt thường dùng cho những tổn thương sẹo lõm sâu.
- Sử dụng tần số bức xạ (Radiofrequency/FR): RF lưỡng cực vi điểm là một phương pháp tương đối mới, đem lại hiệu quả đáng kể trong điều trị sẹo mụn thông qua cơ chế làm nóng lớp bị sâu vi điểm để gây tổn thương mô và dẫn đến đáp ứng lành thương, kích thích tái tạo collagen trong lớp bì. Phương pháp này gây đông protein giới hạn ở trung bì, gây tổn thương bóc tách nhỏ hơn 5 % ở thượng bì. Lợi ích của phương pháp này là giảm thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị, không ảnh hưởng đến sắc tố da, giá thành thấp hơn laser tái tạo bề mặt và ít tác dụng phụ.
- Lăn kim (Needling): Lăn kim trị sẹo rỗ, sẹo lõm là phương pháp dùng những đầu kim siêu vi điểm tác động trực tiếp vào vùng da đang bị sẹo, tạo các tổn thương giả trên da, giúp kích thích quá trình làm lành tự thân, sản sinh collagen và elastin hỗ trợ làm đầy sẹo rỗ một cách hiệu quả.
- Bóc tách sẹo (Subcision): Sử dụng dụng cụ phù hợp xuyên qua bề mặt da để phá vỡ các mô sợi liên kết với chân sẹo ở bên dưới. Ưu điểm của phương pháp cải tiến này bao gồm: dễ áp dụng, rẻ tiền, thời gian nghỉ dưỡng ngắn, áp dụng cho nhiều loại da, không có biến chứng đáng kể, cải thiện rõ rệt và liên tục trong thời gian ngắn mà không gây tổn thương cho bề mặt da.
7. Những lưu ý cần biết sau khi điều trị sẹo lõm
Dưới đây là một số lưu ý để các liệu trình điều trị sẹo lõm đạt hiệu quả tối ưu:
- Không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài kết hợp với việc che chắn kỹ lưỡng cho da.
- Thay đổi thói quen tích cực, lối sống sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế thức khuya, ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ và sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích.
- Việc uống đủ nước hàng ngày sẽ giúp các tế bào da hoạt động trao đổi chất hiệu quả, cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể và giảm thiểu tình trạng khô da.
- Không tự ý nặn mụn và dùng tay chạm lên mặt khi chưa vệ sinh kỹ càng. Đây là thói quen xấu dễ gây tổn thương, viêm nhiễm hàng đầu cho da
- Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào lên da mặt để tránh tình trạng kích ứng, nổi mẩn đỏ và tác dụng phụ ở da.
8. Các biện pháp phòng ngừa sẹo lõm
- Cách tốt nhất để không để lại sẹo lõm trên mặt là luyện tập cách chăm sóc da một cách đều đặn để đem đến kết quả tối ưu nhất. Rửa mặt ít nhất hai lần một ngày để kiểm soát mụn trứng cá và ngăn ngừa mụn, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Nếu da chỉ bị viêm nhẹ, mô sẹo ít có khả năng hình thành và mụn sẽ nhanh lành hơn. Trường hợp da dầu hãy sử dụng các phương pháp khác để giảm lượng dầu bám trên da, chẳng hạn như trang điểm hoặc giấy thấm dầu.
- Ngoài ra lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc sẽ đem đến các tác động tích cực trong việc điều trị sẹo rỗ.
- Kiểm soát tâm lý căng thẳng là yếu tố quan trọng không kém giúp bạn có làn da mịn màng.
- Từ bỏ mọi thói quen xấu có hại cho da như hút thuốc hay uống nhiều rượu bia là cách chăm sóc da hiệu quả.
- Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng phổ rộng mỗi ngày.
Bài viết trên giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân gây sẹo lõm và những ảnh hưởng của sẹo lõm đến đời sống, sự tự tin trong giao tiếp. Việc điều trị sẹo lõm cần được khám, tư vấn, điều trị bởi chuyên viên có chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng tình trạng da và loại kỹ thuật hiệu quả, chính xác.