Những thói quen chăm sóc da cần thay đổi ngay

Những thói quen chăm sóc da cần thay đổi

Không bôi kem chống nắng khi trời râm mát, tẩy da chết hàng ngày và không làm sạch điện thoại, vỏ gối… là những thói quen đang dần hủy hoại da mặt.

Dừng bắt chước mạng xã hội

“Thói quen của một người ít khi có tác dụng hiệu quả với người khác. Làn da của bạn là duy nhất và không có hai người nào giống nhau”, Tara Adashev, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ, nói. Theo cô, rất nhiều hướng dẫn trên TikTok gây hại cho làn da của bạn hoặc không dựa trên đặc điểm da của cá nhân.

Bác sĩ da liễu Naana Boakye cho hay, có bệnh nhân nói với cô đang sử dụng chất khử mùi da mặt vì được một người nổi tiếng trên mạng xã hội khuyên dùng. Người này hoàn toàn không biết thành phần của chất khử mùi này có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng.

Đừng lạm dụng tẩy da chết

Bác sĩ da liễu Courtney Rubin cho biết, nhiều bệnh nhân nghĩ tẩy da chết càng nhiều càng tốt, nhưng đây không phải cách chăm sóc da thông minh.

“Nhiều bệnh nhân của tôi tẩy tế bào chết quá mức cho da, bằng bàn chải tẩy thủ công hoặc bằng chất tẩy hóa học như axit glycolic. Họ tưởng mụn và vấn đề về da xuất hiện do da bẩn, mà không biết tẩy da chết quá mức khiến mọi thứ tệ hơn vì làm hỏng hàng rào bảo vệ da”, Courtney Rubin nói.

Chuyên gia cho biết, một hoặc hai lần tẩy da chết một tuần là lý tưởng nhưng nếu 5-7 lần có thể dẫn đến viêm và mẩn đỏ, nóng rát, bong tróc, khô và nổi mụn.

Không làm sạch điện thoại, vỏ gối và khẩu trang

Nhiều người lạm dụng tẩy rửa, trong khi những người khác lại không vệ sinh những thứ chứa nhiều vi khuẩn nhất.

Bác sĩ da liễu Marisa Garshick cảnh báo về sự nguy hiểm khi không vệ sinh điện thoại hoặc thay vỏ gối hoặc khẩu trang. “Chúng có thể tích tụ dầu, vi khuẩn và cặn từ các sản phẩm dành cho da và tóc, tất cả đều có thể góp phần gây ra mụn hoặc kích ứng trên da”, bác sĩ nói.

Bác sĩ da liễu Corey Hartman cho biết, một thứ khác cần làm sạch cao hơn là cọ trang điểm của bạn. “Khuôn mặt là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn và cọ trang điểm sẽ nhiễm khuẩn. Vi khuẩn đó có thể tồn tại trong bàn chải hàng tuần, nếu không muốn nói là hàng tháng. Mỗi khi bạn đặt cọ trang điểm bẩn lên da, bạn có nguy cơ đưa vi khuẩn lên mặt, dẫn đến mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng”.

Tắm nhanh hơn

Tắm bồn và tắm lâu giúp bạn sảng khoái, nhưng không tốt cho da. Bác sĩ da liễu Michael Gold coi đây là mối quan tâm đối với các bệnh nhân bị viêm da dị ứng.

“Nước có thể khiến da bị khô quá mức. Tôi khuyên bạn nên vỗ nhẹ da, sau đó thoa kem dưỡng ẩm được bác sĩ khuyên dùng”, ông nói.

Ngừng ngủ nghiêng

Bác sĩ da liễu Luigi Polla cho biết, ngủ nghiêng có hại cho da vì nó làm trầm trọng thêm các nếp nhăn, làm tăng chảy xệ trên mặt. “Tôi có thể biết một bệnh nhân ngủ như thế nào bằng cách nhìn vào các nếp nhăn trên khuôn mặt của họ, bởi vì chúng sâu hơn ở bên được ngủ”, bác sĩ nói.

Ngừng ngủ nghiêng

Ngừng tắm nắng

Bác sĩ da liễu Hadley King ngạc nhiên khi bệnh nhân nghĩ rằng da rám nắng không sao miễn là họ thoa kem chống nắng. “Không có thứ gọi là làn da rám nắng khỏe mạnh. Đó là một cơ chế bảo vệ khởi động khi ADN của các tế bào da bị tổn thương bởi bức xạ tia cực tím, dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da và lão hóa da sớm”, bác sĩ nói.

Không tẩy nốt ruồi ở nhà

Bác sĩ da liễu Brian Hibler cho biết, từng tiếp bệnh nhân đến khám với những đốm và sẹo trên da, sau khi thử loại bỏ nốt ruồi và các khối u khác. Những phương pháp điều trị này, theo Brian, thường gây bỏng hóa chất cho da, dẫn đến sẹo và nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu là ung thư da, bệnh nhân có thể chưa loại bỏ hết tế bào ung thư. Ung thư có thể tái phát hoặc tiếp tục phát triển dưới da, có nguy cơ lan rộng.

Hãy dùng kem chống nắng

Bác sĩ da liễu Reid Maclellan, trợ giảng tại trường Y Harvard cho biết một trong những thói quen có hại nhất mà nghe được từ các bệnh nhân là bỏ qua kem chống nắng khi trời râm mát. ”Nên thoa kem chống nắng hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, vì để da tiếp xúc với tia UV có thể dẫn đến tổn thương và ung thư da”, chuyên gia nói.

“Để kem chống nắng đạt hiệu quả, tốt nhất bạn nên để riêng lớp trang điểm và kem chống nắng”, bác sĩ da liễu Rebecca Marcus lưu ý.

(Nguồn: ST)