Mụn cóc ở lòng bàn chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

10% dân số thế giới bị mụn cóc ở chân. Hầu hết mụn cóc ở chân do một trong số 100 chủng vi rút u nhú ở người (HPV) gây ra. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa mụn cóc ở chân như thế nào cho hiệu quả? Mời bạn cùng Kim Ngân tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Mụn cóc ở chân là gì?

Mụn cóc ở chân là những sẩn nhỏ, phẳng hoặc sần sùi trên bàn chân, thường xuất hiện ở mu bàn chân và gót chân (những vùng chịu nhiều áp lực khi di chuyển nhất). Mụn cóc ở chân do HPV xâm nhập qua các vết cắt hoặc vết đứt nhỏ ở dưới lòng bàn chân gây ra.

mụn cóc lòng bàn chân

Hầu hết mụn cóc ở lòng bàn chân không phải là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và thường tự khỏi mà không cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy không phải là bệnh chết người nhưng mụn cóc ở chân cần được điều trị triệt để, tránh gây khó chịu, đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân bị mụn cóc ở chân

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh mụn cóc ở chân.

1. Qua vết trầy xước

Ngã, đứt tay hoặc vô tình làm trầy xước da dẫn đến vết thương hở, tạo điều kiện cho vi rút HPV xâm nhập, lây lan, hình thành mụn cóc trên da. Các trường hợp nhiễm trùng vết xước chủ yếu xảy ra khi trẻ hiếu động, nghịch ngợm đất cát, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

2. Rối loạn chuyển hóa

Mụn cóc ở lòng bàn chân thường gặp ở những người bị rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu cao… hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai, người bị lao phổi, HIV…

3. Tiếp xúc với bệnh nhân

Mụn cóc có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác nếu tiếp xúc trực tiếp với người đã bị nhiễm bệnh. Sau khi bị nhiễm bệnh, mụn cóc có thể xuất hiện và lan ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ mặt đến chân. Bệnh cũng thường thấy ở những người làm nghề móng, do tiếp xúc với nhiều khách hàng có bệnh lý về da và không được trang bị đồ bảo hộ.

Mụn cóc cũng có thể lây qua đường tình dục. Tùy theo vùng da tiếp xúc mà mụn có thể mọc ở vùng sinh dục, mặt, cổ, chân, niêm mạc miệng…

4. Tự lây nhiễm

Từ một vài mụn cóc ban đầu, chúng sẽ lan rộng ra các vùng da lân cận hoặc những vùng da có tiếp xúc trực tiếp và tạo thành nhiều mụn cóc nhỏ li ti xung quanh.

Mụn cóc ở chân có thể làm cho người bệnh cảm thấy rất đau vì chúng thường nằm ở nơi bị chèn ép khi đi bộ hoặc chạy. Một số trường hợp mụn cóc ở bàn chân tự biến mất sau 3 – 6 tháng nhưng hầu hết đều tồn tại dai dẳng và gây đau nhức nếu người bệnh không áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị.

Tùy vào hệ thống miễn dịch của mỗi người mà mụn có khả năng phát triển hay không, vì vậy không phải ai tiếp xúc với virus HPV cũng sẽ bị mụn cóc. Mụn cóc có thể xuất hiện ở các vị trí bất kỳ trên da nhưng thường gặp nhất là mụn cóc ở tay hoặc chân. Mỗi loại mụn cóc xuất hiện trên một bộ phận cơ thể khác nhau và có hình dạng khác nhau.

Các vị trí mụn cóc ở chân thường nổi

Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên chân. Các vị trí mụn cóc thường nổi trên chân bao gồm:

  • Lòng bàn chân: Không giống như các loại mụn cóc khác, mụn cóc ở lòng bàn chân thưởng có kết cấu phẳng và tiệp vào da hơn chứ không trồi lên như những nốt mụn cóc khác vì bàn chân là nơi ta thường đi lại, sức nặng cơ thể và áp lực từ việc đi lại hàng ngày làm cho vết mụn có phần phẳng hơn. Chúng xuất hiện dưới hình dạng một lỗ nhỏ, bao xung quanh là lớp sừng cứng. Mụn cóc ở lòng bàn chân cũng có thể phát triển thành cụm, khiến việc đi lại trở nên không thoải mái.
  • Gót chân: Mụn cóc ở gót chân thường là mụn cơm, tồn tại độc lập hoặc đơn lẻ. Chúng thường có hình dạng tròn, bao quanh là lớp sừng dày, ở giữa là điểm đen do mao mạch tăng sinh và tắc nghẽn.
  • Ngón chân: Là những nốt sẩn màu da hoặc nâu, bề mặt của chúng thường xuất hiện các chấm đen nhỏ và cũng giống như mụn cóc ở tay, sau một thời gian mụn cóc ở chân sẽ phát triển và tăng dần kích thước.
  • Kẽ ngón chân: Mụn cóc ở bàn chân có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc thành cụm. Chúng dày và có hình dạng sần sùi, giống như những vết chai ở lòng bàn chân hoặc có nhiều chấm đen được cấu tạo bởi các mạch máu nhỏ trên bề mặt.
  • Móng chân: Mụn cóc quanh móng có thể gây đau và cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của móng. Ban đầu vết mụn có kích thước nhỏ nhưng qua thời gian chúng dần phát triển lớn hơn và lan sang các khu vực lân cận. Chúng có thể hình giống như bông cải sần sùi, xuất hiện ở vùng da quanh móng chân, đôi khi sẽ gây nứt móng và đau đớn khi phát triển.

Triệu chứng nổi mụn cóc ở chân

Các triệu chứng của mụn cóc ở chân bao gồm:

  • Nốt mụn nhỏ, gồ ghề xuất hiện dưới lòng bàn chân, thường ở phần gốc ngón chân hoặc phần đệm ở đế chân và lòng bàn chân (bên dưới đầu xương bàn chân) hoặc gót chân.
  • Mụn cóc mọc khiến cho da bị dày, cứng và chai.
  • Nhiều mạch máu nhỏ liên kết với nhau tạo thành những chấm đen trên bề mặt.
  • Mụn cóc có thể mọc thành từng nốt hay từng cụm.
  • Hình thành mô sẹo u lên ở lòng bàn chân.
  • Các nốt mụn phá vỡ các nếp vân da của bàn chân.
  • Mụn cóc có thể có màu nâu, đen hoặc nhạt màu hơn vùng da xung quanh.
  • Đau hoặc nhói buốt khi đứng lên hoặc đi lại.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mụn cóc có thể tự biến mất, tuy nhiên đa số các trường hợp mụn cóc sau một thời gian thì phát triển gây đau đớn và làm cho người bệnh gặp khó khăn khi đi lại. Vì vậy, nếu phát hiện ra mình bị mụn cóc bạn cần đến ngay chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn những biến chứng đáng tiếc xảy ra, đặc biệt khi có 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Mụn cóc trên mặt hoặc một bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể (bộ phận sinh dục, miệng hoặc lỗ mũi).
  • Mụn cóc chảy máu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như xuất hiện tình trạng mưng mủ hoặc đóng vảy xung quanh mụn cóc.
  • Mụn cóc có cảm giác đau nhói hoặc nhức buốt khi chạm vào.
  • Màu sắc, kích thước, cảm giác của mụn cóc thay đổi.
  • Người bệnh có mụn cóc cùng các bệnh lý khác liên quan đến tiểu đường hoặc suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV…

Nguy cơ mắc phải mụn cóc ở lòng bàn chân

1. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc phải bệnh mụn cóc ở bàn chân

Những người có nguy cơ phát triển mụn cóc bao gồm:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên khi chưa hình thành khả năng miễn dịch với virus.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đã cấy ghép nội tạng thường không có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của virus.

2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mụn cóc ở chân

Ai cũng có thể mắc mụn cóc nhưng các yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn cóc ở chân gồm có:

  • Tổn thương ngoài da.
  • Nhiễm trùng làm phá vỡ lớp bề mặt da.
  • Dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm.
  • Đi trong khu vực hồ bơi, phòng thay đồ công cộng mà không mang giày, dép riêng.
  • Cắn móng tay.
  • Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người khác.
  • Gãi hoặc cạo mụn cóc của chính mình, điều này có thể làm lây nhiễm sang các vùng khác trên cơ thể.

Phương pháp điều trị mụn cóc ở chân

Mụn cóc ở lòng bàn chân hoặc ở chân có thể tự khỏi nhưng có rất nhiều trường hợp mụn to dần lên theo thời gian gây đau đớn, đi lại khó khăn nên cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biện pháp điều trị mụn cóc phù hợp, an toàn và hiệu quả được bác sĩ sử dụng để xử lý mụn cóc ở chân bao gồm:

  • Dùng axit salicylic: Axit này sẽ phá hủy từ từ các tế bào sừng giúp bong tróc các tế bào. Phương pháp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn cùng với liệu pháp áp lạnh.
  • Liệu pháp áp lạnh: Làm đông lạnh mụn cóc ở chân bằng nitơ lỏng sẽ hình thành một vết phồng rộp ở phía dưới và xung quanh mụn cóc, quá trình hồi phục sẽ mất từ một tuần trở lên để mụn cóc bong ra. Ngoài ra áp lạnh còn có thể được kết hợp cùng với axit salicylic để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên cách này chỉ bào mòn được phần phía trên của mụn cóc nên cần lặp lại liệu trình cho đến khi loại bỏ mụn cóc hoàn toàn. Người bệnh có thể bị các tác dụng phụ của liệu pháp này như là đau, phồng rộp và đổi màu da ở vùng điều trị.

Phương pháp điều trị mụn cóc ở chân

Liệu pháp áp lạnh là một trong số các phương pháp điều trị mụn cóc hiệu quả

  • Đốt điện: Các bác sĩ sẽ tiến hành đốt điện ở vùng khó tiểu phẫu cho mụn cóc ở chân có kích thước nhỏ hơn 1cm. Phương pháp đốt điện sử dụng dòng điện cao tần với sức công phá mạnh mẽ để tiêu diệt mụn cóc. Lưu ý vết thương sau khi đốt điện cần được chăm sóc kỹ càng, vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
  • Tiểu phẫu: Sau khi gây tê, các bác sĩ sẽ loại bỏ mụn cóc trên chân ra khỏi cơ thể bằng dao. Tuy nhiên, phẫu thuật có nguy cơ để lại sẹo nên không thường được sử dụng để điều trị mụn cóc ở lòng bàn chân trừ khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Một vết sẹo nằm ở lòng bàn chân có thể gây đau đớn trong nhiều năm.
  • Laser: Sử dụng laser để hoá hơi tổ chức mô và quang đông mạch máu, lúc này các mô tổn thương sẽ bị hoại tử, bong ra và mụn cóc ở chân sẽ được loại bỏ. Vì khả năng tái phát sau điều trị nên phương pháp này có thể cần được lặp lại.
  • Vaccine: Mặc dù mục đích ban đầu không phải loại bỏ mụn cóc ở bàn chân nhưng vaccine HPV đã được sử dụng thành công để ngăn ngừa và điều trị mụn cóc.

Biện pháp phòng ngừa nổi mụn cóc ở chân

Có thể giảm nguy cơ nhiễm virus hoặc ngăn mụn cóc lây lan ở chân bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Không nên tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc dù là của bản thân hay của người khác.
  • Rửa tay và sát khuẩn kỹ càng sau khi chạm vào mụn cóc.
  • Giữ cho chân luôn sạch sẽ và khô ráo.
  • Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như dụng cụ cắt móng, dũa móng.
  • Không đi chân trần tại những nơi ẩm thấp, có khả năng bị nhiễm virus HPV ở các nơi công cộng như đi dạo quanh hồ bơi, tại phòng thay đồ hay phòng tập gym.
  • Không sử dụng chung giày dép với người khác tránh lây nhiễm bệnh.
  • Thay vớ thường xuyên và vệ sinh giày dép định kỳ.

Mụn cóc ở chân là một căn bệnh mạn tính, vì vậy chúng rất dễ tái phát và lây lan sang những phần khác của chân. Vì vậy, nếu phát hiện xuất hiện mụn cóc ở chân cần đến những cơ sở uy tín để điều trị kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)